Xuất phát từ khao khát gần gũi thiên nhiên, niềm đam mê sáng tạo, từ những đôi bàn tay khéo léo những người thợ chuyên làm hồ thủy sinh đã mô phỏng vào trong bể kính nho nhỏ những tiểu cảnh thiên nhiên lung linh đầy sức sống khiến bất kỳ ai ngắm nhìn cũng bị lôi cuốn.
Hồ thủy sinh - thú chơi lắm công phu
Xuất phát từ khao khát gần gũi thiên nhiên, niềm đam mê sáng tạo, từ những đôi bàn tay khéo léo những người thợ chuyên làm hồ thủy sinh đã mô phỏng vào trong bể kính nho nhỏ những tiểu cảnh thiên nhiên lung linh đầy sức sống khiến bất kỳ ai ngắm nhìn cũng bị lôi cuốn.
Mỗi bể thủy sinh hoàn thiện là một phong cảnh độc đáo.
Đa dạng phong cách
Không thể ước tính có bao nhiêu phong cách trang trí hồ cá thủy sinh. Đó là lời khẳng định của anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ cửa hàng chuyên cung cấp cá cảnh và thiết bị thi công các bể cá ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa). Anh Tuấn chia sẻ: “Sáng tạo trong hồ thủy sinh là vô hạn, tuy nhiên vẫn có những phong cách phổ biến, như Iwagumi, phong cách Đài Loan, Hà Lan, sinh cảnh, rừng rậm, cảnh thiên nhiên... Mỗi thể loại đều có ưu điểm riêng”.
Chiêm ngưỡng một hồ thủy sinh hoàn chỉnh mới thấy hết vẻ đẹp của thiên nhiên, sự tỉ mỉ, kỳ công của người làm bể. Anh Tuấn nói: “Như Iwagumi chẳng hạn, đây là phong cách rất phổ biến hiện nay. Đặc trưng của nó là ba khối đá với khối chính được đặt theo quy tắc điểm vàng. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thật ra đây là phong cách khó”. So với các phong cách khác, Iwagumi mô phỏng chân thật cảnh quan thiên nhiên. Các khối đá phô bày tối đa vẻ đẹp, góc cạnh của nó. Đàn cá đẹp mắt lượn quanh không gian đậm chất tĩnh. Cây thủy sinh (thường được lựa chọn đồng nhất) um tốt, uốn mình ngoạn mục theo luồng nước. Tất cả các yếu tố phải được người chơi giữ cân bằng nhờ cách đảm bảo hệ sinh thái ổn định, không bùng phát rêu, tảo.
Các chuyên gia làm bể thủy sinh cho biết: Một hồ thủy sinh cơ bản gồm “phần cứng” (bể kính, đèn điện có độ quang phổ lớn để cây quang hợp, nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ nước, đèn sưởi và quạt để điều chỉnh nhiệt độ nước trong khoảng 22 - 28oC, máy lọc nước, bình ôxy; đối với một số loại cây thủy sinh còn cần đến bình CO2) và “phần mềm” dùng để trang trí (đá, gỗ lũa, cây thủy sinh và một số loại tép, cá nhỏ không gây hại cho cây thủy sinh). Trên cơ sở “phần mềm” này, người chơi có thể thỏa sức sáng tạo để trang trí bể thủy sinh theo ý tưởng của mình. Có người chơi theo phong cách toàn rong rêu, cỏ cây hoa lá; có người thích tô điểm thêm khúc gỗ lũa hoặc cả những phiến đá để không gian bể thủy sinh là một phong cảnh “cỏ cây chen lá, đá chen hoa”... Có người cầu kỳ hơn, cứ vài tháng họ lại trang trí bể theo phong cách mới. Như anh Nguyễn Văn Hùng, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa), vốn rất ấn tượng trước phong cảnh những cánh rừng ôn đới với thảm cỏ và những cây gỗ cao lớn nên anh đã mô phỏng... một cánh rừng trong bể thủy sinh. Anh cho biết “Máy lọc nước tạo nên sóng ngầm trong bể làm cho những tán cây được tết từ những sợi rong rêu mềm mại lay động như đung đưa trong gió, gợi cho tôi cảm giác thư thái như đang đi dạo trên thảm cỏ, dưới những tán cổ thụ của khu rừng nguyên sinh. Còn nếu để ý đến những con tép, cá nhỏ lượn tung tăng trong sóng nước, cảm giác lại bồng bềnh như đang lặn giữa một khu rừng ngập dưới đại dương”. Còn anh Văn Tấn, xã Quảng Tân (Quảng Xương) lại đặc biệt ấn tượng với cảnh núi non với những vách đá cheo leo hiểm trở trong phim Tây Du Ký nên mô phỏng vào bể thủy sinh của mình với chủ đạo là những viên đá góc cạnh cheo leo. Theo anh Tấn: “Thú chơi này có cái hay là người chơi mặc sức sáng tạo nên tác phẩm của mỗi người có một nét độc đáo riêng. Nhưng có một điểm chung là đòi hỏi phong cảnh tạo ra phải mang đậm nét tự nhiên, phải có hồn để bất kỳ ai nhìn vào cũng có cảm giác như đang ở giữa không gian của một phong cảnh tuyệt đẹp ngoài tự nhiên”.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Thú chơi thủy sinh quả có sức hấp dẫn đến kỳ lạ, mỗi bể thủy sinh hoàn thiện là một phong cảnh độc đáo riêng. Nhưng theo giới chơi môn nghệ thuật này, không phải cứ sắm đủ các món “đồ chơi” cần thiết và thiết lập bể thủy sinh hợp lý là có thể yên tâm ngồi ngắm nghía. Phần lớn người mới chơi thủy sinh thời gian đầu vì chưa có kinh nghiệm chăm sóc dẫn đến cây cỏ trong bể không phát triển như ý muốn, thậm chí bị lụi tàn. “Thủy sinh là một thú chơi đòi hỏi nhiều công phu và kỹ thuật. Thay nước đúng chu kỳ, giữ nhiệt độ ổn định, điều tiết thời lượng chiếu sáng “đèn mặt trời”, lượng khí CO2 và O2, dinh dưỡng và khoáng chất thích hợp để cây có điều kiện phát triển tốt nhất là những quy chuẩn nghiêm ngặt và cũng là bí kíp thành công trong thú chơi thủy sinh. Vì thế, chỉ những ai thực sự đam mê mới theo đuổi được thú chơi này” – anh Lê Văn Tuân, xã Hoằng Phúc (Hoằng Hóa) cho biết. Đối với những người mới vào “nghề” là vậy, còn với những người đã chơi thành công, họ luôn thay đổi để làm mới thú chơi này. Đó là những chuyến trèo đèo lội suối để tìm kiếm gỗ lũa, những loài cây, rong, rêu mới. Khi đã tìm được các loài cây, rong, rêu mới, họ còn mất khá nhiều thời gian để “thuần hóa” chúng phát triển trong môi trường ngập nước.
Anh Lê Văn Chiến, xã Hoằng Phúc (Hoằng Hóa) đang sở hữu một hồ thủy sinh khoảng 1m, cho biết: “Trước đây tôi có hồ cá, sau đó nhờ thợ đến chuyển sang hồ thủy sinh. Lâu lâu, tôi lại có thể thay đổi kiểu dáng hồ như thêm cát để tạo thành kiểu con suối, dòng sông, rồi thay cây cỏ bằng gỗ lũa, nhìn rất lạ mắt”... Anh Hoàng Mạnh Lý, ở đường Đội Cung (TP Thanh Hóa) đang sở hữu một hồ thủy sinh “đại” với giá hơn 20 triệu đồng, do anh tự thiết kế. Anh Lý cho biết, lúc trước anh cũng đặt thợ từ TP Hồ Chí Minh ra lắp ráp một hồ thủy sinh, chơi được một vài năm. Đến thời kỳ thay phân cho hồ, anh lại tìm tòi, tự thiết kế kiểu dáng mới. “Từ ngày chơi hồ thủy sinh, mỗi lần mệt mỏi, chỉ cần ngồi ngắm cá bơi, ngắm những loại thực vật đung đưa trong làn nước trong veo... là cảm thấy tâm hồn thư thái rồi”.
Điều quan trọng là người chơi hồ thủy sinh phải đam mê và bỏ công để chăm chút cho hồ ngày càng đẹp và tươi mới. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại cây để nuôi trong hồ thủy sinh như: Dương xỉ, rêu, trân châu, cỏ đậu nành, phượng vĩ đài, đàn thảo, cỏ lá tròn, cỏ đăng tâm, rong cúc, thanh hồng điệp... Các loại cá dễ nuôi như ong tiên, tép đỏ, hồng nhung, rambo, nô tì... Ngoài ra, chơi thủy sinh quan trọng là công sức đầu tư, thực hiện những quy định nghiêm ngặt về thời gian mở đèn, lượng khí CO2 cần thiết; mỗi tuần phải thay nước một lần, đèn trong hồ phải luôn chiếu sáng, ít nhất 12 tiếng/ngày; thời tiết nắng nóng phải dùng quạt để làm mát nước, tốt nhất, bạn nên để bể cá dưới điều kiện thời tiết râm mát. Cần dùng phụ kiện sục khí để cung cấp oxy cho bể cá, tạo điều kiện cho cá thở tốt hơn. Đặc biệt, khi thay nước trong hồ, cần phải giữ lại một lượng nước cũ trong hồ là 30%. Sau đó, lấy nước cũ hòa với nước mới để tránh xảy ra hiện tượng cá bị sốc nước do chênh lệch độ pH. Với những cặn bã có trong hồ bạn nên dùng ống bơm bằng tay để hút... Anh Ngô Hoài Nam, phường An Hoạch (TP Thanh Hóa), một dân chơi hồ thủy sinh nhiều năm chia sẻ kinh nghiệm.
Có thể nói, chơi hồ thủy sinh ngoài tính thẩm mỹ và tạo không gian để người chơi thỏa sức sáng tạo, thú chơi tao nhã này được cho là gần gũi với thiên nhiên và... thân thiện với môi trường nên dù rất công phu và khá tốn kém, nó vẫn ngày càng mê hoặc nhiều người. Đặc biệt, với người dân thành phố, không cần đi đâu xa tìm những cảnh sắc thiên nhiên yên bình tràn đầy sức sống để trút bỏ những áp lực công việc và cuộc sống, họ chỉ cần ở nhà nghỉ ngơi và “thưởng ngoạn” những phong cảnh đẹp đẽ đó trong bể thủy sinh ngay trong phòng khách nhà mình!.